Bệnh sốt phát ban là gì?

Sốt phát ban là bệnh rất dễ lây nhiễm, nhất là trong môi trường có tính tập thể như nhà trẻ, trường học, trường mẫu giáo vì bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi làm văng những giọt nước li ti, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.

Sốt phát ban hầu hết là do nhiễm vi rút (70 – 80%), trong đó virút đường hô hấp luôn chiếm đa số bao gồm virút sởi, virút gây bệnh rubella, adeno virút, echo virút, nhóm enterovirus… Đây chính là lý do tại sao trẻ có thể bị sốt phát ban nhiều lần. Sốt phát ban do vi rút sởi và virút gây bệnh rubella là 2 nguyên nhân thường gặp. Bệnh sởi còn gọi là ban đỏ, bệnh rubella gọi là ban đào.
2/ Triệu chứng của bệnh

Đôi khi trẻ có thể mang virus nhưng không xuất hiện triệu chứng rõ ràng nào. Trên thực tế, sốt phát ban thường khởi phát bởi một đợt sốt cao đột ngột trên 39,5 độ C.



Sốt thường kéo dài trong vòng 3-5 ngày rồi thuyên giảm. Sau khi hết sốt, trẻ thường bị nổi ban đỏ. Ban đỏ này gồm những điểm hay những mảng nhỏ màu hồng, thường phẳng nhưng có thể hơi nổi cộm, sờ thấy hơi gợn tay. Chung quanh những vết này có thể có một quầng trắng. Ban thường nổi lên ở ngực, sau lưng, bụng và sau đó lan tới cổ và cánh tay, có thể lan tới chân và mặt. Ban thường không ngứa hay làm khó chịu và có thể kéo dài vài giờ tới vài ngày.

Khi bị sốt phát ban, trẻ thường dễ cáu kỉnh, mệt mỏi và bị tiêu chảy nhẹ, ăn không ngon miệng, mắt đỏ, mí mắt sưng phù, sổ mũi và đau họng. Các hạch bạch huyết ở cổ có thể hơi sưng.

Khoảng 10-15% trẻ em mắc bệnh sốt phát ban bị lên cơn co giật. Trong cơn co giật, trẻ thường không tỉnh táo, các cơ cẳng tay, cẳng chân và cơ mặt co giật liên tục trong vòng 2-3 phút. Trẻ cũng có thể bị mất kiểm soát việc đại tiểu tiện.

Mặc dù khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy khá sợ hãi nhưng tình trạng co giật khi bị sốt ở trẻ nhỏ hiếm khi xảy ra và không gây hậu quả gì nghiêm trọng.
3/ Sốt phát ban có lây không

Đây là một bệnh lây và đặc biệt dễ lây lan trong trẻ em, đặc biệt là trong các nhóm trẻ hoặc nhà trẻ, mẫu giáo.

Sốt phát ban lây truyền qua đường nước bọt và dịch tiết đường hô hấp. Khi một đứa trẻ mắc bệnh bị ho hay hắt hơi, nước bọt hoặc các dịch tiết nhỏ li ti lơ lửng trong không khí trẻ truyền sang cho người khác. Bệnh này cũng có thể lây qua đường phân, khi trẻ mắc bệnh không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Bệnh có thể lây lan ngay cả trước khi trẻ xuất hiện các triệu chứng.

Hãy đảm bảo tất cả mọi thành viên trong gia đình, nhất là những người trực tiếp chăm sóc trẻ rửa tay thường xuyên (đây là việc làm cần thiết đặc biệt trong giai đoạn trẻ đang bị sốt, do bạn có thể không biết được rằng trẻ bị sốt thông thường hay sốt phát ban trước khi thấy xuất hiện các vết ban đỏ.)
4/ Phương pháp phòng ngừa bệnh sốt phát ban ở trẻ em



– Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân bị nghi ngờ đang mắc bệnh, cách này rất khó vì trẻ bệnh có thể lây cho trẻ khác ngay khi chưa có biểu hiện phát ban.

– Cách phòng ngừa tốt nhất là chủng ngừa:

Sởi có thể chích ngừa khi trẻ được 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Rubella được chích chung với quai bị và sởi bằng vắc-xin 3 trong 1 khi trẻ được 12 tháng – 15 tháng tuổi và tiêm nhắc liều thứ 2 khi trẻ được 4 tuổi – 6 tuổi.

Ngoài ra sốt phát ban ở người lớn cũng rât nguy hiểm mà mọi người cần chú ý.